Bà Thùy Linh được giới thiệu là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ vừa phát biểu trên báo Tri thức và Cuộc sống giải đáp 5 thắc mắc xoay quanh câu chuyện mua bảo hiểm nhân thọ của diễn viên Ngọc Lan, từ đó đánh giá nữ diễn viên "hồ đồ và hơi lười".
Xung quanh vụ việc này, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, một chuyên gia tài chính (xin không nêu tên) cho rằng, bà Linh đang mượn danh nghĩa là người hiểu biết về lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, để tùy ý đưa ra những nhận xét mang tính cá nhân, phiến diện, thậm chí xúc phạm diễn viên Ngọc Lan. Vị chuyên gia tài chính này đã thẳng thắn đưa những lập luận bác bỏ 5 quan điểm của bà Thùy Linh.
Nội dung các báo đăng bà Thùy Linh (được cho là Giám đốc kinh doanh khu vực của công ty Bảo hiểm nhân thọ Manulife Việt Nam) giải đáp 5 thắc mắc của Ngọc Lan về hợp đồng bảo hiểm nhân thọ Manulife
Thứ nhất: Bà Linh cho biết chưa được xem hợp đồng bảo hiểm của diễn viên Ngọc Lan nhưng đánh giá cảm quan qua livestream thì thấy Ngọc Lan chưa hiểu hết quyền lợi trong hợp đồng nên có những phát ngôn thiếu chính xác: “Chị Ngọc Lan tham gia bảo hiểm lên đến 700 triệu/năm, số tiền gần bằng một căn nhà chung cư giá rẻ, tại sao không tìm hiểu, không đọc quyền lợi bảo hiểm. Không thể nào một hợp đồng bảo hiểm 700 triệu/năm mà mua như một mớ rau như vậy được. Hợp đồng chị ấy cầm trong tay thì phải xem chứ, mà phần quyền lợi chỉ trong vòng 3 trang thôi, bảng minh họa đã có rồi."
Chuyên gia tài chính: Tôi cảm thấy khó hiểu, khi là người am hiểu về lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ nhưng bà Thùy Linh lại đưa ra ý kiến chủ quan khi chưa từng được xem hợp đồng bảo hiểm của diễn viên Ngọc Lan. Điều này có phải quá hồ đồ hay không?
Bà Linh càng mâu thuẫn khi cho rằng, Ngọc Lan mua một hợp đồng bảo hiểm 700 triệu/năm đâu thể giống như mua một mớ rau mà không xem hợp đồng, nhất là phần quyền lợi chỉ trong vòng 3 trang. Trong khi đó, bản thân bà Linh khi nói ra những lời này, cũng chưa hề xem qua bản hợp đồng. Liệu rằng những ý kiến, nhận định của bà Linh sẽ đảm bảo tính chính xác, khách quan (?).
Chưa kể, bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam vẫn còn rất mơ hồ, phần lớn người dân chưa hiểu tường tận về lĩnh vực này. Trên thực tế, có rất nhiều người mua bảo hiểm dù đã đọc hợp đồng nhiều lần nhưng vẫn không thể hiểu hết nội dung. Vì vậy, khách hàng cần người tư vấn trung thực để đảm bảo quyền lợi của họ.
Thứ hai: Ngọc Lan băn khoăn việc công ty bảo hiểm mua bán. Điều này thể hiện rõ trong luật kinh doanh bảo hiểm, kể cả khi công ty thoái vốn hay phá sản, chuyển sang công ty mới thì quyền lợi của khách hàng trong hợp đồng bảo hiểm vẫn giữ nguyên, không hề ảnh hưởng gì. Trong trường hợp này, cả Aviva và Manulife đều đang rất phát triển, việc mua bán không ảnh hưởng đến hợp đồng, quyền lợi của chị Ngọc Lan.
- Những lo lắng của Ngọc Lan trong trường hợp này là rất chính đáng, nó xuất phát từ việc nữ diễn viên không am hiểu luật kinh doanh bảo hiểm. Vì vậy, cô ấy mới là khách hàng, cần được nhân viên tư vấn và công ty bảo hiểm giải thích. Chứ nếu cô ấy hiểu “tất tần tật” cô ấy sẽ được gọi là chuyên gia, hoặc cũng có thể đi tư vấn để bán bảo hiểm nhân thọ.
Tôi cho rằng, khi khách hàng còn băn khoăn về quyền lợi của họ trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hay các sự cố khách quan phát sinh trong thời gian hợp đồng “đang chạy” đều là do người tư vấn viên (người đại diện công ty bảo hiểm làm việc trực tiếp với khách hàng) chưa làm trọn vẹn trách nhiệm của mình.
Ngọc Lan khóc do quá bức xúc nhưng khẳng định lỗi do mình không đọc kỹ hợp đồng đã đặt bút ký, tin tưởng những lời dụ dỗ của tư vấn viên. Ảnh cắt từ clip
Thứ ba: Bà Linh cho rằng Ngọc Lan băn khoăn không được nhân viên chăm sóc tử tế. Bản thân khách hàng khi tham gia bảo hiểm là ký kết với công ty bảo hiểm, còn người tư vấn chỉ hỗ trợ chăm sóc hợp đồng. Nếu tư vấn làm lâu năm chăm sóc cho khách hàng là điều tốt, còn nếu tư vấn không làm nữa thì quyền lợi của khách hàng cũng không ảnh hưởng gì. Và chị Ngọc Lan tham gia bảo hiểm là vì quyền lợi mà bản thân chị được hưởng chứ đâu phải vì người tư vấn kia.
- Không cần đợi bà Linh lên tiếng, tôi tin ai cũng biết khách hàng khi tham gia bảo hiểm là ký kết với công ty bảo hiểm, tuy nhiên trong quá trình này vai trò của người tư vấn là rất lớn.
Với cách lập luận như trên, bà Linh đã bỏ quên quyền và nghĩa vụ của nhân viên tư vấn.
Nếu như khách hàng được hưởng quyền lợi bảo vệ trước những rủi ro trong cuộc sống, thì nghĩa vụ của họ là đóng phí bảo hiểm từng năm để duy trì hợp đồng. Tương tự, nhân viên bảo hiểm có nghĩa vụ là “cầu nối” giữa khách hàng và công ty bảo hiểm, để nhận lại quyền lợi là được chi trả hoa hồng trên hợp đồng khách hàng đồng ý mua bảo hiểm. Và quyền lợi này được quy định rõ ràng bao nhiêu % trên tổng giá trị hợp đồng. Số % này sẽ giảm dần về các năm sau của hợp đồng.
Điều này có nghĩa, khi hợp đồng còn hiệu lực thì trách nhiệm của người tư vấn với khách hàng cũng còn đó. Như cách bà Linh nói “nếu tư vấn không làm nữa thì quyền lợi của khách hàng cũng không ảnh hưởng gì”. Ở đây, có thể hiểu là nếu nhân viên tư vấn nghỉ làm, thì công ty bảo hiểm có trách nhiệm phải bàn giao hợp đồng của khách hàng cho một nhân viên tư vấn khác tiếp tục chăm sóc.
Nếu phủ nhận trách nhiệm “xuyên suốt” của người tư vấn trong hợp đồng bảo hiểm của khách hàng mà họ tư vấn, thì thử hỏi còn ai dám mua bảo hiểm nhân thọ qua người tư vấn nữa. Vì thực tế, trên thị trường hiện nay, người tham gia bảo hiểm nhân thọ chủ yếu mua qua người tư vấn.
Cũng cần phải nhấn mạng rằng, quyền lợi khách hàng trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã ký với công ty bảo hiểm là không thay đổi. Tuy nhiên, quyền lợi đó có đúng với những gì nhân viên tư vấn cho khách hàng ở ngay thời điểm ký kết hợp đồng hay không lại là chuyện khác. Trong trường hợp của Ngọc Lan, cô chia sẻ phát hiện quyền lợi của mình không giống với những gì nhân viên tư vấn trước đó.
Một khi công ty bảo hiểm thông qua người tư vấn để ký hợp đồng với Ngọc Lan thì không thể giải thích theo kiểu, người tư vấn đó đã nghỉ làm, hoặc người tư vấn đó không phải là tư vấn chính thức của công ty…Vì một khi công ty đồng ý với hợp đồng mà người tư vấn mang về, thì trách nhiệm của các bên đã phát sinh ngay từ thời điểm đó: Trách nhiệm công ty bảo hiểm - trách nhiệm người tư vấn - trách nhiệm khách hàng.
Thứ tư: Ngọc Lan nói rằng, không phải tất cả tiền tham gia bảo hiểm của chị ấy là tiết kiệm mà người ta lại “lừa” xây những quyền lợi không tích lũy. Bản chất của một hợp đồng bảo hiểm bao gồm cả quyền lợi sống và quyền lợi tử. Quyền lợi chính có thể tích lũy chỉ là quyền lợi tử thôi, nhưng bảo hiểm không phải chỉ chi trả cho quyền lợi tử mà còn để cho những lúc ốm đau, bệnh tật, bệnh hiểm nghèo và những lúc đó khách phải có quyền lợi. Tư vấn phải xây đầy đủ cả quyền lợi tử và quyền lợi sống mới là giải pháp hoàn hảo.
- Giải pháp hoàn hảo bao gồm quyền lợi tử và quyền lợi sống là giải pháp do công ty bảo hiểm đưa ra, nhưng với từng khách hàng cụ thể, họ phải được quyền chọn thứ phù hợp với mình.
Như Ngọc Lan chia sẻ, cô ấy không hề được tư vấn phí bảo hiểm sức khỏe sẽ mất đi theo từng năm, không có giá trị tích lũy. Đến đây phải đặt câu hỏi ngược lại, nếu ở thời điểm tư vấn, người tư vấn nói rõ ràng thì liệu Ngọc Lan có mua sản phẩm phụ là bảo hiểm sức khỏe hay không, đó mới là mấu chốt của vấn đề.
Ngọc Lan cho biết tham gia bảo hiểm nhân thọ của Aviva nhưng sau vụ mua và sáp nhập, Aviva đã đổi tên thành MVI Life - trực thuộc Manulife
Thứ năm: Ngọc Lan nói rằng, đóng 7 tỷ sau 10 năm nhận về 10 tỷ. Tôi không biết chị Ngọc Lan có nói đúng không, hay tư vấn bảo hiểm cho chị Ngọc Lan nói quá. Tuy nhiên, tôi nghĩ một người thông minh như chị Ngọc Lan thừa hiểu, gửi ngân hàng 7 tỷ 10 năm còn khó được 10 tỷ, bởi mình đâu có gửi 7 tỷ 1 lần, mỗi năm chỉ gửi 700 triệu, 10 năm mới gửi đủ 7 tỷ cơ mà. Bản thân một khách hàng thông thái, có tiền đến 700 triệu/năm để tham gia bảo hiểm chắc phải hiểu điều đó chứ!”; Tôi thấy chị Ngọc Lan đang làm hơi quá lên; Tôi không hiểu có phải chị Ngọc Lan cố tình bôi nhọ bảo hiểm để gây sự chú ý hay không; Với góc nhìn của người làm nghề bảo hiểm tôi thấy chị Ngọc Lan hồ đồ và hơi lười. Tôi nghĩ, chị Ngọc Lan tham gia bảo hiểm với mức 700 triệu/năm chứng tỏ thu nhập rất tốt. Một người kiếm được nhiều tiền như vậy hẳn là “trong đầu phải có sỏi” chứ; Phát ngôn của chị Ngọc Lan vô tình gây hoang mang dư luận, rất nguy hiểm, khiến nhiều người “bị dắt mũi”, dẫn đến có cái nhìn thiếu thiện cảm về bảo hiểm”.
- Nội dung tư vấn giữa người tư vấn và Ngọc Lan sự thật như thế nào, có lẽ chỉ có 2 người trong cuộc là hiểu rõ nhất. Tuy nhiên, tôi không đồng tính với lập luận của bà Linh khi hàm ý đổ lỗi cho Ngọc Lan.
Việc cô ấy mua bảo hiểm với mức phí đóng 700 triệu đồng/năm, không đồng nghĩa là cô ấy sẽ hiểu hết về bảo hiểm nhân thọ. Nếu người tư vấn cố tình tư vấn sai lệch, thì việc khách hàng hiểu sai là chuyện bình thường. Ai cấm Ngọc Lan kiếm được nhiều tiền mà trong đầu cô ấy “không có sỏi”, cô ấy là diễn viên, cô ấy diễn giỏi, được khán giả đón nhận thì cô ấy có cơ hội kiếm được nhiều tiền, liên quan gì đến việc đầu phải có sỏi.
“Một người kiếm được nhiều tiền như vậy hẳn là “trong đầu phải có sỏi” chứ”, đây là kiểu suy luận gán ghép, mang tính hơn thua, phiến diện, một chiều, và không thuyết phục.
Trong suốt câu chuyện của mình, tôi không thấy Ngọc Lan nói bảo hiểm nhân thọ là xấu, cô ấy chỉ bảo người tư vấn đã không trung thực khi tư vấn, khiến cô ấy hiểu sai, và đứng trước nguy cơ mất tiền. Thậm chí Ngọc Lan liên tục nhận lỗi sai về mình, khi cho biết đã ký hợp đồng mà không đọc hết các điều khoản. Đơn thuần, Ngọc Lan chỉ chia sẻ câu chuyện của mình, và bài học rút ra để những người sẽ mua bảo hiểm nhân thọ tự cảnh giác. Không có từ ngữ nào cho thấy Ngọc Lan cố tình “dắt mũi” dư luận, chẳng qua là vì cô ấy là người nổi tiếng, nên câu chuyện có sức lan tỏa, và được nhiều người biết đến.
Tôi không hiểu bà Linh nói Ngọc Lan hồ đồ là hồ đồ trong việc gì, việc quyết định mua bảo hiểm nhân thọ, việc không đọc kỹ hợp đồng, việc quá tin tưởng tư vấn, hay việc chia sẻ câu chuyện mua bảo hiểm lên mạng xã hội…dù là gì, tôi thẳng thắn lên án quan điểm này.
Theo tôi, khi đã là người kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, một sản phẩm vô hình được mua bằng “tiền tươi thóc thật” của khách hàng, thì ngoài tôn trọng khách hàng còn phải kiên nhẫn, trung thực với khách hàng. Đó là mới là người làm bảo hiểm nhân thọ có tâm, có đức. Và khi đã tâm đức đủ đầy, thì không phải lo ai dắt mũi dư luận dẫn đến có cái nhìn thiếu thiện cảm về bảo hiểm.
Sự thiện cảm của xã hội với bảo hiểm nhân thọ phải đến từ chính cách tư vấn, chăm sóc khách hàng của người làm bảo hiểm, công ty bảo hiểm, chứ không phải từ khách hàng mua bảo hiểm.
Quý vị đang làm kinh doanh và thu lại lợi nhuận, vì vậy thay vì đổ lỗi cho khách hàng hãy biết ơn họ.
Diễn viên Ngọc Lan mới đây gây chú ý khi bất ngờ khóc nức nở trên livestream và chia sẻ rằng mình có nguy cơ mất số tiền lên đến hàng tỷ đồng vì không đọc kỹ hợp đồng khi mua bảo hiểm. Cô cho biết, cách đây 3 năm có tham gia bảo hiểm nhân thọ của Aviva nhưng sau vụ mua và sáp nhập, Aviva đã đổi tên thành MVI Life - trực thuộc Manulife, trong đó có một hợp đồng bảo hiểm cho bản thân và một hợp đồng cho con trai. Mỗi năm nữ diễn viên đóng hơn 700 triệu đồng cho cả 2 bảo hiểm với mong muốn sau 10 năm được nhận về số tiền gốc gần 7 tỷ đồng theo lời của nhân viên tư vấn. Tuy nhiên, gần đây cô mới biết hợp đồng của mình có thời hạn lên đến 74 năm và của con trai là 42 năm. Bên cạnh đó, do hợp đồng còn bao gồm nhiều khoản bảo hiểm khác đi kèm, nên số tiền mà cô có thể nhận về sẽ ít hơn rất nhiều so với dự kiến. Hiện tại sự việc này đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. |